Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội; là một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu giáo dục, đào tạo toàn diện con người của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách BHYT được thực hiện với học sinh, sinh viên trên hai thập kỷ qua đã chứng minh tính đúng đắn, sự cần thiết khách quan, là giải pháp hữu hiệu giúp cho thế hệ trẻ đủ sức khỏe để học tập, rèn luyện, là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; trong đó, ngành giáo dục, đào tạo, hệ thống trường học các cấp có vai trò nòng cốt.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực từ 01/01/2015, quy định rõ: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó học sinh, sinh viên là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Trước khi đưa ra quy định về BHYT bắt buộc toàn dân, trong 25 năm thực hiện chính sách BHYT ở nước ta, ở từng giai đoạn phù hợp, lộ trình BHYT bắt buộc đối với từng nhóm đối tượng cũng được triển khai, ban đầu là với nhóm người lao động trong khu vực chính thức, đối tượng người có công với cách mạng, gia đình chính sách, trẻ em dưới 06 tuổi, sau mở rộng dần đến người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn… Học sinh, sinh viên cũng là một trong những nhóm đối tượng sớm được triển khai BHYT bắt buộc từ 01/01/2010, theo quy định tại Luật BHYT năm 2008.
Với quan điểm công tác chăm lo sức khỏe Nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai BHYT. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng được nêu rõ: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên. Tiếp theo đó, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT học sinh, sinh viên, đảm bảo đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020, nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, theo đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT học sinh, sinh viên. Từ những chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật nói trên, có thể thấy việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong chủ trương thực hiện BHYT toàn dân và mang tính bắt buộc.
Luật BHYT năm 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Về trách nhiệm thu BHYT của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định: cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 06 tháng hoặc 01 năm/lần nộp vào Quỹ BHYT.
Tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 7% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác).
Như vậy, ngoài trách nhiệm phải thu BHYT học sinh, sinh viên, các nhà trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng 7% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học để tổ chức thực hiện công tác y tế học đường theo quy định. Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/05/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể, chi tiết các nội dung của y tế trường học; bao gồm việc bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; điều kiện về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; các điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học; hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu; hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe.
Cùng với việc tích cực tham gia BHYT của học sinh, công tác y tế trường học cũng từng bước phát triển. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên trích từ Quỹ BHYT liên tục tăng qua các năm; nếu như năm 2010, số kinh phí trích lại là hơn 200 tỷ đồng; đến các năm gần đây, con số này đã tăng hơn gấp 03 lần, đạt khoảng 600 tỷ đồng. Quyền lợi khám, chữa bệnh của nhân dân nói chung và HSSV nói riêng khi tham gia BHYT cũng được mở rộng, đặc biệt từ ngày 01/01/2016, quy định thông tuyến huyện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT, trong đó có học sinh, sinh viên. Nhiều bệnh nhân là học sinh đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng như các trường hợp điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo; phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Thực tế cho thấy, trước thềm năm học mới hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có công văn quán triệt, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp triển khai nghiêm túc BHYT học sinh, sinh viên, bao gồm cả công tác thu và tổ chức thực hiện y tế học đường.
Theo đó, yêu cầu tăng cường tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh chính sách, pháp luật về BHYT và vai trò, ý nghĩa của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên. Phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương vận động, hướng dẫn học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của Quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo đúng quy định tại Điều 18 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT và các quy định về quản lý tài chính hiện hành. Tham mưu đề xuất UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BHYT trong các cơ sở giáo dục. Có hình thức xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT.
Trong nhiều năm qua, cơ quan BHXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trong tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết công tác thu BHYT học sinh, cấp kinh phí y tế học đường. Phương thức thu chia thành nhiều đợt cũng được nhiều BHXH tỉnh, thành phố linh hoạt triển khai, thực hiện thu theo năm tài chính, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT học sinh, sinh viên của những tháng còn lại trong năm tài chính, như vậy sẽ giảm sức ép các khoản phải đóng góp vào đầu năm học cho phụ huynh, học sinh, sinh viên.
Trong thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện, có một số cơ sở giáo dục tổ chức thu nhiều khoản phải đóng góp vào đầu năm học, gây sức ép tài chính cho các hộ gia đình, bên cạnh những khoản đóng góp có tính chất bắt buộc, trong đó có BHYT thì có những khoản “thu hộ” như bảo hiểm thương mại. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục không tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh học sinh biết với việc thu BHYT là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của các em học sinh. Điều này dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất ưu việt, tính nhân văn trong chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại. Đây là hạn chế, bất cập cần phải chấn chỉnh ngay, vì nếu không sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT. Cách làm như vậy dễ dẫn đến những nhận thức không đúng bản chất, không toàn diện của phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh, sinh viên – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước về BHYT.
Để khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục; quán triệt thực hiện nghiêm túc BHYT học sinh, sinh viên, nhận thức rõ vai trò và thực hiện công tác thu, y tế học đường theo đúng quy định pháp luật, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải phổ biến rõ tới phụ huynh học sinh, sinh viên về nghĩa vụ tham gia BHYT là quy định bắt buộc đã được Luật hóa.
Để phát triển BHYT học sinh, sinh viên nói riêng cũng như BHYT nói chung một cách bền vững, công tác truyền thông phải được chú trọng thường xuyên, liên tục, đi sâu nắm bắt đặc thù và có hình truyền thông phù hợp, chất lượng, hiệu quả với từng nhóm đối tượng. Cụ thể, trong công tác phát triển BHYT học sinh, sinh viên, cơ quan BHXH phải phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo, quán triệt nhận thức, trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật tới ban giám hiệu các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Có hình thức tác động trực tiếp tới phụ huynh học sinh, sinh viên qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, tạo sự thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác BHYT học sinh, sinh viên./.
Nguồn: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam