Trong những năm gần đây, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 180 cơ sở giáo dục đại học và hơn 1200 chương trình đào tạo đã được kiểm định.
Kiểm định là một hoạt động bắt buộc và cần thiết để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, song, với nhiều trường đại học, việc đầu tư kinh phí cho kiểm định cũng là một áp lực không hề nhỏ.
Chia sẻ về vấn đề kiểm định hiện nay, đại diện một trường đại học cho rằng, chu kỳ kiểm định cơ sở giáo dục đại học hay chương trình đào tạo là 5 năm, điều này rất áp lực, rất tốn kém với các trường đại học.
Có năm học trường phải tốn hơn chục tỷ đồng cho hoạt động kiểm định. Nhà trường thực hiện kiểm định cho chương trình đào tạo chính quy khoảng 100 ngành, theo chu kỳ 5 năm thì kiểm định xong ngành này lại trở lại chu kỳ kiểm định của ngành khác.
Muốn mở các ngành đào tạo hệ vừa học vừa làm hay đào tạo từ xa cũng đều phải kiểm định nên rất tốn kém về kinh phí.
Vị này kiến nghị nên thực hiện chu kỳ kiểm định 10 năm, còn chu kỳ 5 năm là để các trường tự đánh giá nội bộ rồi báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức là vẫn đảm bảo chất lượng và giữ vững được chất lượng.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một trường đại học khu vực phía Bắc cho rằng, kiểm định cơ sở giáo dục đại học cũng như kiểm định chương trình đào tạo là một chính sách đúng, cần thiết và quan trọng để tạo nên văn hoá kiểm định trong trường đại học, toàn thể cán bộ, giảng viên cũng cần nắm bắt, tuyên truyền, nhận biết, đánh giá và thực hiện tốt công tác này, để từ đó, hoạt động đào tạo được đảm bảo, đi vào nề nếp và ngày được nâng cao.
“Trường chúng tôi từ khi thành lập Hội đồng trường đến nay đều rất nỗ lực để thực hiện hoạt động kiểm định, các hoạt động của trường đã vào nề nếp hơn trước đây. Nhiều chương trình đào tạo của trường đã được kiểm định, hiện nhà trường cũng đang tiếp tục kiểm định các chương trình đào tạo khác”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo trường đại học này, thực hiện chu kỳ kiểm định 5 năm với các trường rất vất vả. Nếu sau này chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng được các hệ thống phần mềm kiểm định trực tuyến và công khai thông tin, báo cáo thì hoạt động kiểm định sẽ đỡ áp lực hơn với các trường.
Kéo dài thời gian cho chu kỳ kiểm định cũng là một phương án để giảm áp lực cho các trường, nhưng để làm được điều này, công tác tự kiểm tra của trường phải thực sự tốt.
Thực tế là công tác tự kiểm tra của các trường hiện nay còn đang kém, vì khi mình tự kiểm tra mình, tự đánh giá người cán bộ trong trường mình thì hiệu quả khó đảm bảo được.
Thầy cũng đề xuất các trường phải đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, tự đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin và công khai các báo cáo trong công tác kiểm định.
Các trường cần nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ tự kiểm tra, tự đánh giá, nâng cao vai trò giám sát của Hội đồng trường và các chỉ đạo điều hành của nhà trường cũng cần thay đổi tích cực.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể hơn để các trường thực hiện, cần có các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các trường về công tác kiểm tra, đánh giá.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang nói rằng, các trường đại học hiện phải bỏ nguồn kinh phí không nhỏ cho hoạt động kiểm định, và đây thực sự là áp lực với các trường.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 của giáo dục đại học, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chia sẻ: giai đoạn đầu, các trường đại học chưa đủ năng lực để thực hiện tự kiểm định nên vẫn đang cần đến các trung tâm kiểm định độc lập bên ngoài.
Tuy nhiên, về lâu dài, các trường đại học phải xây dựng và có một tổ chức tự kiểm định, tự đánh giá. Khi bộ máy này hoạt động tốt rồi thì các trường sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào các trung tâm kiểm định bên ngoài.
Tiến sĩ Chính đề xuất các trường cần quan tâm hơn tới việc bảo đảm chất lượng từ bên trong bằng cách tăng trách nhiệm giải trình của từng cơ sở giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh đồng tình với quan điểm này. Theo thầy Thịnh, các trường đang khó khăn trong giai đoạn đầu vì chưa nâng cao được năng lực tự đánh giá.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn, ban hành các tiêu chí, quy định để công nhận bộ máy tự đánh giá, tự kiểm định của các cơ sở giáo dục đại học.
Từ đó, các trường sẽ có đầu tư cho bộ máy thực hiện tự kiểm định, như vậy, chi phí sẽ đỡ tốn kém hơn việc thực hiện kiểm định bên ngoài như hiện nay.
“Tôi cho rằng, hoạt động kiểm định là vô cùng cần thiết, để cả hệ thống giáo dục đại học nâng cao chất lượng.
Hiện nay, các trường đang “nặng” về kiểm định bên ngoài vì năng lực tự đánh giá còn yếu.
Vấn đề không phải là thực hiện kiểm định theo chu kỳ 5 năm hay 10 năm mà các trường phải hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực tự đánh giá và cơ quan quản lý cần có cơ chế “mở đường” cho các trường đại học thực hiện việc này.
Trong bối cảnh tự chủ đại học, việc này là cần thiết, đây cũng là giải pháp nâng cao trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục đại học”, thầy Thịnh nêu quan điểm.
Nguồn: Tạp chí Giáo dục Việt Nam