Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư phát triển. Tuy nhiên, quá trình bước vào tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học công lập gặp không ít khó khăn khi nhiều trường bị cắt giảm ngân sách. Lúc này, trường đại học chỉ còn “trông chờ” vào nguồn thu từ học phí, nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp, viện trợ bên ngoài,...
Tuy nhiên, thực tế bức tranh nguồn thu của các trường hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào học phí với tỷ lệ ở nhiều cơ sở lên tới 70-80%, trong khi đó nguồn thu từ hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân… vẫn còn thấp.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang cho biết, cũng như nhiều cơ sở giáo dục khác, hiện nay nguồn thu của trường vẫn tập trung chủ yếu vào học phí. Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hay hợp tác với doanh nghiệp, từ viện trợ bên ngoài,... chiếm tỷ lệ còn thấp.
Từ thực tế hoạt động, Tiến sĩ Khanh đã chỉ ra nhiều vướng mắc khiến trường đại học gặp khó trong việc đa dạng hóa các nguồn thu.
Theo đó, Luật Giáo dục đại học (Luật 34) cho phép trường đại học thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ và được coi là một đơn vị nằm trong cơ cấu tổ chức của trường đại học.
“Tuy nhiên thực tế triển khai việc thành lập này tại các cơ sở giáo dục đại học nhìn chung vẫn còn chậm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác chuyển giao công nghệ còn hạn chế”, thầy Khanh nhận định.
Tại Trường Đại học Kiên Giang, nhà trường cũng đã có những chỉ đạo về việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp một số vướng mắc. Trong đó, một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu cơ chế để thành lập doanh nghiệp.
Cụ thể, theo thầy Khanh, sau khi Luật 34 ra đời đã không còn điều lệ trường đại học, thay vào đó, ở mỗi cơ sở giáo dục Hội đồng trường sẽ ban hành quy chế tổ chức hoạt động của từng đơn vị. Khi xây dựng quy chế tổ chức hoạt động, đơn vị lại chưa chú trọng đến việc thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học, do đó cơ cấu tổ chức theo quy chế hiện tại chưa có tổ chức này. Vì vậy, nhà trường đang rà soát lại quy chế, bổ sung vào cơ cấu tổ chức để có cơ sở thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian sớm nhất.
“Khi trường đại học đã thành lập được doanh nghiệp khoa học công nghệ, hoặc các hoạt động hợp tác xã sinh viên,... thì các nghiên cứu khoa học mới có cơ hội ứng dụng, đào tạo mới gắn kết được với thị trường, từ đây trường đại học mới có thêm các nguồn thu khác”, thầy Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, công tác sở hữu trí tuệ, đăng ký sáng chế, bảo hộ bản quyền khoa học để chuyển giao trong các trường đại học hiện nay còn chưa được chú trọng cũng là rào cản để trong việc gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học.
Một nguồn thu khác thu được vận dụng nhiều ở các nước khác trên thế giới là nguồn hiến tặng của các doanh nghiệp, cá nhân,... cho trường đại học. Tuy nhiên, thực tế văn hóa hiến tặng ở nước ta chỉ mới được hình thành và chưa thật sự có độ phủ rộng lớn.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT bày tỏ, ở Việt Nam lực lượng có nhiều tiền, được xem là giới siêu giàu cũng chỉ mới hình trong khoảng 15 năm trở lại đây, như vậy rất khó để hình thành văn hóa hiến tặng.
Bên cạnh đó, luật pháp liên quan đến các chính sách hiến tặng vẫn chưa đầy đủ. Các tài trợ, quyên góp để chi cho hoạt động giáo dục đào tạo vẫn phải đóng thuế nên chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân,... tham gia.
“Nếu người có nhiều tiền, người ta tự thành lập luôn trường đại học, đây cũng là một kiểu hiến tặng rồi”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo Trường Đại học FPT cho rằng, vấn đề hiện nay mà hệ thống giáo dục đại học đang phải đối mặt là ngân sách Nhà nước hạn chế, vậy nên mức chi cho giáo dục đại học cũng chưa cao. Chi phí đào tạo/sinh viên ở nước ta so với mặt bằng chung vẫn còn rất thấp.
Do vậy, cả Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học đang phải “đau đầu” tìm cách làm sao để tăng chi phí đào tạo sinh viên từ các nguồn có thể có để nâng cao được chất lượng.
rong đó, Tiến sĩ Tùng cho rằng lệ thuộc vào nguồn thu học phí là “bắt buộc”, “vấn đề là lệ thuộc ít hay nhiều, nước nào cũng vậy”. Theo thầy Tùng, chi trả học phí để có thể học đại học là khoản đầu tư xứng đáng. Mức học phí hiện tại ở Việt Nam so với thế giới cũng chưa phải là cao.
Bên cạnh học phí, Tiến sĩ Tùng đề xuất một số giải pháp để tăng chi phí cho đào tạo bao như: tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học; triển khai chính sách tín dụng, vay tương lai tiêu cho hiện tại.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiên Giang cũng cho rằng, trong quá trình tiến tới thực hiện tự chủ đại học, mỗi cơ sở giáo dục cần có tính toán các giải pháp để cơ cấu lại tỷ lệ các nguồn thu hợp lý.
Trong đó, việc tính toán thu học phí phải dựa trên cơ sở tính đúng, tính đủ để đảm bảo sự đầu tư cho giáo dục và nâng cao trách nhiệm của người học. Song, chỉ “trông chờ” vào học phí không phải là giải pháp có tính bền vững, lâu dài.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh thêm về việc nâng cao hiệu quả quản trị đại học trong bối cảnh mới, đồng thời có giải pháp đa dạng hóa các nguồn thu để giảm gánh nặng học phí cho người học.
Nguồn: Tạp chí Giáo dục Việt Nam