Search

Trường ĐH kiến nghị giải pháp để đào tạo tiến sĩ tăng cả số lượng và chất lượng

Điều cần thiết là tạo nên môi trường làm việc tốt, mang tính kiến tạo bền vững cho các tiến sĩ, khi đó số lượng và chất lượng tiến sĩ sẽ tăng lên.

Trường ĐH kiến nghị giải pháp để đào tạo tiến sĩ tăng cả số lượng và chất lượng

Trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực được đào tạo phải tương thích với thế giới thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận dần với chuẩn quốc tế, khu vực là rất cần thiết và tất yếu.

Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ra một số hạn chế, tồn tại trong đào tạo tiến sĩ như: chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ chưa đầy đủ, hoàn thiện; chưa có chính sách để ưu tiên, khuyến khích, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tốc độ tăng quy mô đào tạo tiến sĩ trong giai đoạn gần đây không ổn định, có những thời điểm giảm. Việc mở rộng quy mô đào tạo của một số cơ sở chưa tương xứng với năng lực và điều kiện đảm bảo chất lượng. Công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực đặc thù, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn…

Thay vì tập trung vào số lượng, nên chú ý nhiều hơn cho chất lượng

Có ý kiến cho rằng, yêu cầu cao về tiêu chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra đối với bậc học tiến sĩ là nguyên nhân khiến nhiều người học không “mặn mà” tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng, việc nâng cao trình độ là sự đầu tư cho tương lai cả về thời gian, tiền bạc và năng lực. Khi người học đã lựa chọn con đường này, cần phải đáp ứng được đầu vào và đầu ra của chương trình.

Nếu nói yêu cầu cao, tôi cho rằng đây chỉ là cao với mức đầu tư ít ỏi về mặt thời gian. Nếu nghiên cứu sinh được tập trung hoàn toàn cho nghiên cứu thì chuẩn đầu ra này hoàn toàn có thể đạt được.

Hơn nữa, nếu hạ tiêu chuẩn, chúng ta sẽ không thể nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, trong khi đây là nhiệm vụ cần phải thực hiện. Vì vậy, chúng ta cần tập trung vào chất lượng và kiên quyết giữ chất lượng”.

Thầy Trình khẳng định, số lượng tiến sĩ nhiều hay ít không phải vấn đề quá quan trọng, điều cần thiết tạo là phải tạo được môi trường làm việc tốt, mang tính kiến tạo bền vững cho các tiến sĩ. Khi môi trường thay đổi với nhiều cơ hội thuận lợi, số lượng tiến sĩ theo đó cũng tăng lên.

Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng nhận định: “Hiển nhiên, chúng ta phải giữ chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra đối với các nghiên cứu sinh. Mặc dù, chuẩn càng cao, càng khó cho người học, nhưng theo tôi, đây là điều cần thiết để giữ uy tín đào tạo cho bậc học này.

 

Đào tạo tiến sĩ là vô cùng quan trọng, vì điều này quyết định năng lực về nghiên cứu khoa học của một cơ sở giáo dục đại học. Quan điểm riêng của tôi, dù khó khăn, nhưng chúng ta cần kiên trì giữ nguyên chuẩn đầu vào và đầu ra, thậm chí nâng chuẩn cao hơn để nâng cao chất lượng của nghiên cứu sinh.

Thay vì lo lắng số lượng ít hay nhiều, chúng ta nên chú trọng đến chất lượng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm đến người hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh, để họ có thể tìm kiếm những vấn đề mới, hướng dẫn nghiên cứu sinh để họ khai phá lĩnh vực của mình".

Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng, hiện nay, các tiến sĩ ít có công trình khoa học đột phá, áp dụng trong đời sống xã hội.

Bàn luận về quan điểm này, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình nhận xét: “Chúng ta cần xem xét bài toán, một sản phẩm để bán ra ngoài thị trường cần qua bao nhiêu công đoạn nghiên cứu. Trước hết, chúng ta xuất phát những nghiên cứu hàn lâm ban đầu sau đó tạo ra sản phẩm mẫu, tiếp đó là quá trình nghiên cứu triển khai sản phẩm, sau bước phát triển sản phẩm phải thương mại hóa, mới đến tay người sử dụng.

Quy trình này trải qua nhiều công đoạn khác nhau, nhiều tổ chức, nhiều con người từ các bên nghiên cứu tham gia. Nghiên cứu sinh hay các thầy cô làm nghiên cứu trong nhà trường là người làm tốt nhất ở giai đoạn đầu cho đến sản phẩm mẫu.

Còn từ đó đến khi ra thị trường, lại trải qua nhiều giai đoạn khác, nên nếu chúng ta đặt toàn bộ kỳ vọng về sản phẩm lên nghiên cứu sinh, thì điều đó không đúng với mô hình chuẩn trên thế giới.

Tất nhiên, cũng đã có những nghiên cứu sinh trong quá trình nghiên cứu rất xuất sắc, sản phẩm của họ nhanh chóng có thể ra thị trường. Tuy nhiên, con số này không nhiều, không phải là mô hình phổ biến".

Chuẩn bị cho người học tâm thế tốt hơn, hỗ trợ kinh phí, cân nhắc vị trí việc làm

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình nhấn mạnh, nếu người học có được tâm thế tốt hơn, chắc chắn chất lượng của việc đào tạo tiến sĩ sẽ được nâng cao và đây là nền tảng để nâng cao chất lượng của cả hệ thống, nghiên cứu sinh sẽ là những “máy cái” tương lai.

Thời gian vừa qua, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này. Để người học yên tâm học tập, bắt đầu từ năm 2025, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có chính sách miễn học phí cho nghiên cứu sinh và hỗ trợ 10-12 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí.

 

Nghiên cứu sinh học tập và nghiên cứu ở trường toàn thời gian, tham gia sâu vào quá trình nghiên cứu đồng thời có thể trợ giảng cho nhà trường.

Thầy Trình bày tỏ: “Hiện tại, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang cân đối các nguồn thu chi để thực hiện kế hoạch trên, nhằm giúp nghiên cứu sinh của nhà trường có cơ hội học tập tốt nhất.

Tất nhiên khi làm như vậy, chúng tôi sẽ khó có thể mở rộng quy mô, do kinh phí của nhà trường không thể đảm đương. Nếu nhiều nghiên cứu sinh hơn, chúng tôi cần sự chung tay của xã hội cũng như có thêm một số cơ chế từ phía Chính phủ”.

Để giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh của nhà trường có được điều kiện làm việc tốt, có được kinh phí để đáp ứng được yêu cầu cuộc sống cơ bản, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình chỉ ra, cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

Cơ sở giáo dục cần phải có những chính sách nâng cao hiệu quả quản trị, từ đó, dành ra khoản đầu tư nhiều hơn cho mảng nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học.

Các quỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ phải có những đề tài khoa học công nghệ có tầm vóc đủ lớn, thời gian đủ dài để đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghiên cứu sinh.

Doanh nghiệp nên có chính sách để nâng cao đào tạo về nghiên cứu phát triển sản phẩm, từ đó, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu các trường đại học...

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có thêm những đề án để hỗ trợ nghiên cứu sinh giống như Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước"; Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020”; Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030"

Khi nghiên cứu sinh được tạo điều kiện về vấn đề học bổng, sinh hoạt phí, chi phí nghiên cứu, họ có thể toàn tâm toàn ý nghiên cứu, từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, nêu quan điểm về vấn đề tuyển dụng đối với những người đã hoàn tất quá trình đào tạo tiến sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Huế) cho hay: "Việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay chưa gắn liền với vị trí việc làm, chưa bố trí công việc phù hợp với trình độ sau khi đào tạo, chế độ đãi ngộ cũng chưa hợp lý. Ví dụ, người có bằng tiến sĩ nhưng chế độ lương không có gì thay đổi trừ khi họ thi/xét nâng ngạch.

Vì vậy, tôi cho rằng, điều này cũng cần được nghiên cứu. Việc trả lương có thể gắn với học hàm, học vị để có chế độ khuyến khích nâng cao trình độ. Sau khi họ đạt được bằng cấp, nên có chế độ chính sách nhất định liên quan đến vị trí việc làm, chế độ lương. Nếu mọi thứ vẫn giữ nguyên như cũ, người học không có động lực để học tập, nghiên cứu.

 

Theo thầy Phương, để việc đào tạo tiến sĩ được diễn ra thuận lợi, phía cơ sở đào tạo nên đơn giản hóa các thủ tục liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người học đồng thời nâng cao công tác hỗ trợ người học.

Về chế độ chính sách, cần có sự đồng bộ trên toàn quốc, tất nhiên, hiện nay, cũng đã có một số nơi có những chính sách khuyến khích người học như miễn học phí, thưởng tiền sau khi hoàn thành việc đào tạo và nhận bằng. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương".

Cùng quan điểm với những chia sẻ trên, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình nêu, Chính phủ nên có thêm chính sách để đồng hành cùng nghiên cứu sinh. Để có được một tiến sĩ, cần khoảng thời gian không ngắn, thông thường những người này sẽ ở độ tuổi 30. Nếu sau khi nhận bằng tiến sĩ, vị trí việc làm và lương của họ không có gì cải thiện, chắc chắn nhiều người sẽ không đầu tư cho việc nâng cao trình độ.

Nguồn: giaoduc.net.vn

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Bài toán tài chính giáo dục đại học: Tăng ngân sách hay tái cơ cấu đầu tư?

Bài tiếp tiếp theo

Hài hòa quyền và lợi ích của nhà giáo