Search

Chính phủ đồng ý phương án tăng học phí đại học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ.

Chính phủ đồng ý phương án tăng học phí đại học

Chiều 10-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp, nghe Bộ GD&ĐT báo cáo về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023-2024

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có báo cáo về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023-2024. Dự kiến đầu tháng 7, HĐND các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới.

Đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Phó Thủ tướng đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Theo đó, từ năm tới, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41-2,76 triệu đồng một tháng, tuỳ từng khối ngành.

Những trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên.

Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần.

Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai với người học và xã hội.

 

Đối với bậc học mầm non, tiểu học, trung học phổ thông, việc điều chỉnh học phí do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định theo điều kiện của địa phương.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể, bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông.

"Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa", Phó Thủ tướng nói và nêu rõ "không giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục".

Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục phổ thông.

Nghị định 81 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-10-2021. Theo đó, từ năm học 2022-2023, học phí sẽ tăng đều hàng năm.

Sau mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học đã áp mức thu mới. Tuy nhiên, cuối tháng 12 năm ngoái, để tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống, Chính phủ yêu cầu các cấp giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.

Theo Nguyễn Quyên (Báo Pháp Luật).

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Những chính sách kinh tế, xã hội có hiệu lực từ tháng 5/2023

Bài tiếp tiếp theo

Đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam qua góc nhìn của chuyên gia quốc tế