Search

Nhiều điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 7/12/2023, giáo viên cần biết

Bài viết tổng hợp những điểm mới liên quan đến tuyển dụng viên chức giáo viên từ 07/12/2023 theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

Nhiều điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 7/12/2023, giáo viên cần biết

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 07/12/2023.

Thêm đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng viên chức

Quy định về các đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được bổ sung thêm:

Cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân: Được cộng 1,5 điểm vào kết quả vòng 2.

Như vậy, từ 07/12/2023, sẽ có 04 đối tượng được cộng điểm ưu tiên vào kết quả điểm vòng 2 khi thi hoặc xét vào viên chức:

- Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: cộng 7,5 điểm.

- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội hoặc công an, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh… được cộng 05 điểm.

- Người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm.

Sửa đổi hình thức, nội dung và thời gian thi

Thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng

Đây là một trong những điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023 đáng chú ý tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP. Theo đó, căn cứ tuyển dụng viên chức có quy định:

Số lượng người cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng. Các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng phải có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau, cùng Hội đồng thi, áp dụng hình thức thi viết (vòng 2) và chung đề thi;

Nếu thí sinh đăng ký 02 nguyện vọng nhưng không trúng nguyện vọng 1 thì được xét ở nguyện vọng 2 nếu vị trí ở nguyện vọng 2 vẫn còn chỉ tiêu sau khi đã xét hết nguyện vọng 1 gồm cả việc đã xét nguyện vọng của người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề.

 

Sau khi đã xét đủ 02 nguyện vọng mà vẫn còn chỉ tiêu thì dựa vào kết quả thi thì sẽ được chọn người có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển ở vị trí làm việc tại đơn vị khác:

- Được người đứng đầu cơ quan tuyển dụng quyết định.

- Vị trí việc làm có cùng tiêu chuẩn, điều kiện với vị trí việc làm tại đơn vị còn chỉ tiêu tuyển dụng, cùng Hội đồng thi, cùng áp dụng hình thức thi (viết hoặc thi ở vòng 2) và chung đề thi.

- Đạt từ 50 điểm trở lên ở kết quả điểm thi tại vòng 2.

Lưu ý: Các vị trí việc làm được đăng ký 02 nguyện vọng là một trong những nội dung thông báo tuyển dụng nêu tại Phiếu đăng ký dự tuyển ban hành kèm Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

Thống nhất thi trắc nghiệm trên máy vi tính

Trước đây, việc thi kiểm tra kiến thức chung tại vòng 1 được quy định là thi trắc nghiệm trên máy tính nhưng nếu chưa có điều kiện tổ chức thi trên máy tính thì có thể thực hiện thi vòng thi này trên giấy.

Tuy nhiên, từ 07/12/2023, theo khoản 4 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP, việc thi kiến thức chung phải thực hiện bằng trắc nghiệm trên máy tính và không có trường hợp ngoại lệ.

Bỏ thi tin học

Đây là một trong những điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023. Cụ thể, ở vòng thi thứ nhất các môn kiến thức chung, Chính phủ chỉ quy định gồm hai phần là kiến thức thức chung và thi ngoại ngữ.

Những quy định liên quan đến thi tin học trong Nghị định mới đã không còn. Có thể thấy, quy định này sẽ giúp cắt giảm cắt giảm thủ tục hành chính và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Sửa điều kiện xác định người trúng tuyển viên chức

Quy định về xác định người trúng tuyển khi có từ 02 người trở lên có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng, khoản 5 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP căn cứ vào điểm thi phần thi kiến thức chung tại vòng 1 cao hơn. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2020/NĐ-CP lại căn cứ vào điểm thi của vòng 2.

Ngoài ra, do Nghị định mới cho phép thí sinh được đăng ký hai nguyện vọng nên tại đây cũng hướng dẫn việc xác định người trúng tuyển trong trường hợp có thí sinh đăng ký hai nguyện vọng. Cụ thể:

- Không trúng tuyển nguyện vọng 1:

Được xét nguyện vọng 2 nếu vị trí việc làm vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét hết nguyện vọng 1 trong đó có xét nguyện vọng của người có kết quả trúng thấp hơn liền kề.

 

Nếu có hai người bằng điểm nhau ở nguyện vọng hai trở lên thì xác định theo điểm phần thi kiến thức chung tại vòng 1 cao hơn thì được chọn. Nếu vẫn không chọn được thì do người đứng đầu cơ quan tuyển dụng quyết định.

- Vẫn còn chỉ tiêu sau khi đã xét đủ hai nguyện vọng: Căn cứ kết quả thi có thể tuyển người có kết quả thấp hơn liền kề tại đơn vị khác nhưng có cùng tiêu chuẩn với tiêu chuẩn của vị trí việc làm tại đơn vị còn chỉ tiêu, cùng Hội đồng thi và cùng áp dụng hình thức thi (viết hoặc thi) ở vòng 2 và chung đề thi.

Thông qua kiểm định đầu vào, viên chức được miễn thi kiến thức chung

Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về thi kiểm tra kiến thức chung tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 115/2020/NĐ-CP là bổ sung:

Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì được miễn thi Phần I.

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức được sử dụng trong 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Đồng thời, từ 01/8/2024, chỉ tuyển dụng công chức đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào.

Thêm trường hợp không phải thi ngoại ngữ

Theo quy định cũ, ngoài các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ thì các thí sinh khác đều phải thực hiện phần thi này. Tuy nhiên, đến Nghị định 85, Chính phủ quy định:

Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II.

Theo quy định này, nếu vị trí việc làm nào không cần ngoại ngữ thì thí sinh sẽ không phải thi ngoại ngữ. Ví dụ ứng viên thi tuyển giảng dạy môn Ngữ văn thì không phải thi ngoại ngữ.

Nếu không có văn bằng, chứng chỉ thì được sát hạch để đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

Ngoài ra, với các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, Nghị định 85 cũng bổ sung thêm trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn chuẩn đầu ra về ngoại ngữ tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn của vị trí việc làm dự tuyển.

Đồng thời, quy định mới cũng liệt kê cụ thể các loại chuyên ngành ngoại ngữ yêu cầu có bằng tốt nghiệp gồm tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm bằng hoặc cao hơn so với yêu cầu của vị trí việc làm.

Quy định mới với viên chức tập sự từ 07/12/2023

Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định các trường hợp được tuyển dụng vào viên chức không phải thực hiện chế độ tập sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Được bố trí làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo hoặc công việc trước đây đã làm.

- Thời gian làm công việc chuyên môn trước đây có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng. Nếu không có thời gian lớn hơn hoặc bằng thì sẽ trừ vào thời gian tập sự.

 

Đáng chú ý, theo quy định mới, những người này được hưởng 100% lương và phụ cấp (nếu có).

Từ 07/12/2023, có 03 trường hợp người tập sự bị chấm dứt hợp đồng gồm:

- Không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự (như quy định cũ).

- Có hành vi vi phạm đạo đức và hoạt động nghề nghiệp đến mức phải xem xét kỷ luật (quy định cũ chỉ nêu chung chung có hành vi vi phạm).

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật (mới được bổ sung).

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-85-2023-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-115-2020-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-va-quan-ly-vien-chuc-590467.aspx

Nguồn: Tạp chí Giáo dục Việt Nam

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Quản lý tự chủ tài chính đại học: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Bài tiếp tiếp theo

Bài toán tài chính giáo dục đại học: Tăng ngân sách hay tái cơ cấu đầu tư?