Bảng lương hiện hành
Theo Luật Cán bộ, công chức, vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bên cạnh đó, Luật Viên chức quy định, vị trí việc làm của viên chức là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Thông tư 10/2023/TT-BNV, tiền lương cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang được tính bằng công thức: Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương.
Mức lương cơ sở hiện hành theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP là 1,8 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, theo Điều 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, các chức vụ lãnh đạo được xếp lương và phụ cấp theo nguyên tắc:
Cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thì xếp lương theo ngạch hoặc chức danh đó.
Cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử hiện đang đảm nhiệm.
Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo nào thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó.
Như vậy, hiện nay, các cấp quản lý, lãnh đạo của nhiều cơ quan đang xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Về nguyên tắc trả lương, việc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ quan, đơn vị.
5 bảng lương hiện áp dụng gồm: 1. Bảng lương chuyên gia cao cấp; 2. Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và công chức ở xã, phường, thị trấn); 3. Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; 4. Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; 5. Bảng lương cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Bảng lương theo vị trí việc làm từ 1/7
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 104 năm 2023 của Quốc hội, cơ cấu tiền lương mới của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương được tính như sau:
Lương = Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + Các khoản phụ cấp (30% tổng quỹ lương). Bên cạnh đó còn có khoản tiền thưởng được bổ sung.
Nhà nước xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bằng số tiền cụ thể, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Lương mới được xây dựng, áp dụng với nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
2 bảng lương mới theo vị trí việc làm gồm bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Như vậy, có thể thấy cải cách tiền lương từ 1/7 sẽ xây dựng 2 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống 5 bảng lương hiện hành của công chức viên chức.
Trong đó, những bảng lương này được xây dựng bằng con số cụ thể, không được tính theo mức lương cơ sở và hệ số lương và không còn cào bằng như trước đó.
Trả lương theo vị trí việc làm là việc căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức trong công chức, viên chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng.
Nguồn: vtv.vn